Saturday, March 4, 2017

BAY XA KỶ NIỆM - TUYỂN TẬP THƠ VĂN CỦA HÙNG BI

Những ngày đầu năm mới Đinh Dậu, được đọc tuyển tập thơ văn của anh Hùng Bi, lòng xao xuyến bồi hồi nhớ về những kỷ niệm của tuổi học trò dưới ngôi trường Trung học Ban Mê Thuột.


Anh Phan Ni Tấn đã viết về quyển sách này như sau:

Gặp Nhau Trên Con Đường Kỷ Niệm
phan ni tấn

Khác với những thành phố buồn, trầm mặc của miền Nam nước Việt, thập niên 1940 - 60, thị trấn miền cao Banmêthuột là nơi, nếu không vì công vụ, thì không ai muốn đặt chân tới miền đất được mệnh danh Buồn Muôn Thuở này. Có điều, cũng giống như các thị trấn miền cao, nhà cửa, đền đài, chợ búa, trường học... đều được xây dựng theo lối kiến trúc đơn giản và xưa cũ. Thị trấn miền cao thường là như vậy, đều mang một vẻ phong trần, sương gió, nắng bụi, mưa lầy. Tất cả những hình ảnh này đều toát ra một nỗi buồn hiu hắt không tên.
Nhìn chung, Banmêthuột thuở đó vừa hoang sơ vừa gần gũi với những ai sinh ra và lớn lên, hoặc đã tới lập nghiệp lâu đời mới quen với nếp sống đèo heo hút gió vừa bí ẩn vừa u buồn, đầy huyền thoại mà cũng rất lãng mạn này. Và từ đó, trôi nổi theo dòng thời gian mưa nắng, khi nhớ về một quãng đời đã qua, họ đều có những kỷ niệm đầy ấp trong lòng. Hùng Bi, tác giả tuyển tập thơ văn Bay Xa Kỷ Niệm là một thí dụ.
Tôi nghĩ rằng kỷ niệm nào cũng có sức nặng của nó. Chính vì sức nặng này mà Hùng Bi đã khéo dùng ngòi viết của mình để khươi ra từ trong quá khứ những hình ảnh của sự vật, những cảnh đời và những chiếc bóng của con người thật sinh động. Trong niềm vui bất tận tác giả Bay Xa Kỷ Niệm hồn nhiên kể:
"Tôi thì lại thích sống với kỷ niệm, nhất là ở lứa tuổi học trò và muốn lưu giữ chúng mãi trong tâm hồn. Tôi nâng niu từng chút một để thỉnh thoảng nhớ về và thấy càng ngày chúng càng sáng lóng lánh".
Đọc một tác giả viết về những kỷ niệm, tôi có cảm giác rằng sức nặng của kỷ niệm làm cho ngòi viết của họ dễ dàng uốn nắn, vẫy lượn, lấp lánh nhưng cũng có lúc trở nên bồi hồi, nhất là khi nhắc nhớ về một ngôi trường.
Hùng Bi là đứa con của miền đồng bằng sông nước, mười một tuổi đã sớm theo gia đình lên Banmêthuột sinh cơ lập nghiệp. Học hết bậc tiểu học rồi lên trung học. Buổi sáng đầu tiên của năm 1960 cậu học trò bước vào cổng trường trung học Banmêthuột thấy cái gì cũng lạ lẫm, thấy ai cũng xa lạ, ngơ ngác và ngượng ngùng trước đôi tay vụng về, đôi chân lạc lõng trong bộ đồng phục còn thơm mùi vải mới. Cái ngày ấy đến nay đối với Hùng Bi thật hoa mộng đã xa vời. Để nhớ lại ngôi trường ngày ấy, Hùng Bi viết thật say mê:
"Trường tôi vẫn còn sống mãi trong tâm khảm của bao lứa học trò chính vì chúng tôi đã phả vào nó cái hồn của tuổi thơ..."
Khi tuổi đời đang chín tới, nhìn lại ngôi trường thân yêu xưa, Hùng Bi nhỏ nhẹ và ân cần nhắc:
Có một buổi tối mùa đông gần đây, tôi ngồi uống rượu với vài người bạn trong một quán cốc ở cuối con dốc. Ngước nhìn đôi trường cũ của mình đã mất đi dáng vẻ ngày xưa, lòng bùi ngùi nhung nhớ xa xôi vì biết rằng chẳng bao giờ tôi còn có dịp đặt bước chân của mình lên những thềm học cũ.
Tôi yêu trường tôi chỉ vì những điều dung dị vây quanh thế thôi!".
Đoạn văn trên được trích trong Bay Xa Kỷ Niệm là tuyển tập thơ văn đầu tay của tác giả. Cũng như các tuyển tập văn chương thường thấy, trong Bay Xa Kỷ Niệm, chen giữa những trang văn là vườn thơ. Thơ Hùng Bi hiện diện như loài hoa núi chênh vênh, một loài "Ban mê hoa, chẳng làm hồn dậy sóng" cũng đủ để mỗi con người tự cảm thấy chơi vơi như lạc vào cơn mơ ngọt ngào lẫn cay đắng: Thơ Hùng Bi là thơ của tình yêu và đam mê, hiện thực và ảo mộng, khắc khoải và nhung nhớ, chiến tranh và hận thù... Tất cả là những câu chữ được tác giả khoanh lại thành ao hồ nội tâm lấp lánh những kỷ niệm.
Trong niềm vui bất tận, Hùng Bi kể lể sự tình: "Tôi thì lại thích sống với kỷ niệm, nhất là ở lứa tuổi học trò và muốn lưu giữ chúng mãi trong tâm hồn. Tôi nâng niu từng chút một để thỉnh thoảng nhớ về và thấy càng ngày chúng càng sáng lóng lánh".
Hùng Bi, với tâm hồn nội tại luôn luôn hoài niệm quá khứ., thiết tha với con người cũ, mảnh đất cũ, ngôi trường cũ. Những gì gọi là cũ Hùng Bi đều vui vẻ nhận lấy và kiêu hãnh viết ra thành kỷ niệm. Mỗi kỷ niệm của Hùng Bi là một câu chuyện sống động khiến người đọc có cảm tưởng như chính mình hiện hữu trong từng chi tiết của nếp sống trong đó. Hùng Bi viết văn giản dị như kể chuyện bằng tất cả tâm tình hứng khởi, say mê, nhờ vậy cách hành văn toát ra vẻ hiền hòa, cởi mở, chân thực.
Bay Xa Kỷ Niệm với gần 450 trang được viết ra trong suôt quãng thời gian viết lách của mình, Hùng Bi lúc nào cũng ưu ái nhắc đến những kỷ niệm một thời. Kỷ niệm trong mọi thế thái. Viết về kỷ niệm là một hình thức tìm đến với cuộc đời, là tìm về dĩ vãng với những con đường đất đỏ của phố bụi, với mái trường, lớp học, với bạn hữu, thầy cô; và có cả hình bóng người lính trong thời kỳ giông bão của chiến tranh.
Banmêthuột của tình yêu và thù hận. Banmêthuột, đó chính là nơi nhiều người đã tới và đã ra đi. Banmêthuột réo gọi ký ức của một hoài niệm..
Banmêthuột của hồ Trung Tâm và rừng Lao Xao. Banmêthuột của người Mường ở làng Hòa Bình, và của người Bắc di cư ở Châu Sơn, Kim Châu Phát, Đạt Lý. Banmêthuột của người Thượng và "văn hóa cồng chiêng" vang lên khắp miền sơn cước. Gần thì Banmêthuột có suối Đốc Học, thác Nhà Đèn, hồ piscine, suối Mu- ri (Maury, không phải Bu-ri như nhiều người lầm tưởng),. Xa hơn thì Banmêthuột với những ngọn núi cao trùng điệp, với sông ngòi, ghềnh thác chảy xiết.
Banmêthuột, thị trấn miền cao của cao nguyên Daklak là nơi những ai đã đi xa, đều mong ước trở về. Trở về để tìm lại mình trong những ngày mới lớn với trường lớp và sách vở, tìm lại hơi thở tình yêu khờ khạo nhưng biết hâm nóng trái tim của tuổi học trò, tìm lại chính mình dưới hình thù một ngưòi lính sống sót và tìm lại những bạn bè xưa kẻ mất người còn sau chiến tranh.
Bay Xa Kỷ Niệm, ngoài thơ văn, tác giả còn lồng vào những hình ảnh như một loại hình lặng lẽ nhưng lại nói lên được sức sống của niềm vui và nỗi buồn. Hình ảnh họ lung linh hơn khi tác giả kết nối bài viết bằng nghệ thuật tả chân với nỗi đam mê lẫn hoài niệm. Hùng Bi làm sống lại cuộc sống của một thời dĩ vãng, thắp sáng kỷ niệm xanh lơ của tuổi học trò với những cái nhỏ nhặt nhất, bình thường nhất, phá phách nhất mà cũng thơ mộng nhất cho đến ngày bước chân vào đời. Ở đó họ gặp nhau trên con đường làm người; khởi từ quá khứ cho đến hiện tại bóng họ cứ bàng bạc qua từng trang sách.
Nhìn chung, những loại hình văn học này là những dòng mực, nét bút góp phần viết lên trang ký ức mang tên Bay Xa Kỷ Niệm đáng nhớ và đáng trân trọng.

Sách dày 448 trang, được trình bày rất đẹp. Quý vị muốn sống lại những ngày xa xưa nơi xứ Buồn Muôn Thuở, Bụi Mù Trời, xin hãy tìm đọc tuyển tập này. Số điện thoại để liên lạc 707-548-5486


No comments:

Post a Comment