Sunday, February 8, 2015

CHÙA KHẢI ĐOAN


Khải Đoan là ngôi chùa Sắc tứ cuối cùng của nhà Nguyễn, là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật giáo thời kỳ Chấn hưng Phật giáo Việt Nam ở Cao nguyên Trung phần, vùng đất Hoàng triều cương thổ thời Bảo Đại. 

Mặt tiền chùa

Chùa do Đoan Huy Hoàng thái hậu Hoàng Thị Cúc (chính phi của Vua Khải Định) cùng một số Phật tử phát tâm xây dựng và hiến cúng cho Giáo hội Tăng già Trung Việt. Hòa thượng Thích Trí Thủ cử trưởng tử là thầy Thích Đức Thiệu chỉ đạo việc xây cất chùa trên khu đất rộng gần 7 mẫu 8 sào 28m2 và làm trụ trì đầu tiên.

Năm 1951, chùa xây phần hậu tổ và nhà giảng, đến năm 1953 xây chính điện. Tên Khải Đoan là ghép từ hai chữ Khải Định - Đoan Huy. Ngày 29-6-1953 (19 tháng 5 năm Quý Tỵ), ngài Narada Thera (Tích Lan) đã cung thỉnh ngọc Xá lợi Phật dâng đức Từ Cung tại Ban Mê Thuột. Dự lễ có Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, cùng chư tăng, Phật tử và đông đảo khách đến chiêm bái Xá lợi Phật và đỉnh lễ cầu nguyện cho đất nước hòa bình.

Chùa được xây dựng bởi những bàn tay khéo léo của những người thợ cố đô Huế nên có kiến trúc nhà rường Huế xen lẫn với kiến trúc địa phương. Cổng chính theo hướng Tây Nam nhìn ra đường Quang Trung, hướng về thung lũng 'Suối Đốc Học'. Trước và sau cổng đều ghi 'Khải Đoan Tự'. 

Cổng chùa

Chánh điện là công trình chính của chùa với diện tích 320m2 được chia làm hai phần. Nửa phần trước mang dáng dấp nhà dài Tây Nguyên nhưng cấu trúc cột kèo theo kiểu nhà rường Huế. Nửa sau được xây theo lối hiện đại.

Đáng chú ý nhất trong chánh điện là tượng Phật Thích Ca ở giữa và chiếc chuông đồng đặt ở gian bên phải. Tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao 1.1m, đài sen bằng gỗ cao 0.35m được trang trí công phu, chiếc chuông đồng cao 1.15m, chu vi đáy 2.7m, nặng 380Kg được đúc tháng 01 năm 1954 (tức tháng Chạp năm Quý Tỵ).



Chùa Khải Đoan là ngôi danh lam bậc nhất trên cao nguyên miền Trung.

No comments:

Post a Comment